.
Xem trang tốt nhất với trình duyệt Google Chrome


Tháng ngày ... lái xe


Tháng ngày ... lái xe


* ldtk: Bài viết này của anh Fansifan (không rõ anh bao nhiêu tuổi, nhưng theo trong bài viết thì anh nhỏ tuổi hơn cố danh thủ Mai Thanh Minh, nên ldtk xin phép được gọi bằng anh) trên trang thanglongkydao.com cách đây cũng khá lâu. Tưởng nhớ QTĐS Mai Thanh Minh, bài viết kể đủ chuyện, nội dung không tập trung vào 1 vấn đề chủ đạo nào hết, nhưng có thể nói là đã gây cho mình một cảm xúc vô cùng đặc biệt ...


Mấy hôm nay bão Earl đã thổi quyết liệt vào miền duyên hải của bang North Carolina. Dân chúng trong vùng đã được lệnh di tản, báo động màu cam có nghĩa là gần cuối, mầu đỏ là bắt buộc (mandatory) phải đi, không đi không được. Xe mình phải neo lại ở thành phố bên cạnh, không thể đi ngang Carolina được vì sợ cản trở đường di tản. Mình lái xe 18 bánh, chuyên chở hàng từ bang này sang bang khác, mỗi miles được trả 50 cent, đi càng nhiều càng có tiền, sau này kinh tế suy thoái nó trả có 45 cent thôi, cũng phải chơi luôn vì nếu không thì ... đói !

Công việc này ít người làm vì buồn chán và căng thẳng. Tuy nhiên ai thích du lịch, ham đi nhiều thì còn gì tuyệt hơn. Không tốn tiền lại còn ngang dọc suốt. Ngày đi đêm ghé lại khu (Rest Area) nghỉ ngơi. Xe liên tục nổ máy hầu như không bao giờ ngừng, vì đầu xe là cái nhà rồi, trong đó có tủ lạnh, bếp, máy điều hòa không khí, không thể tắt máy được - trừ lúc đổ xăng (vì an toàn). Nhiều khi xách xe ra đi là cả hàng tháng mới về nhà, vì đi đến chỗ giao hàng xong là tiếp tục chất hàng khác lên từ warehouse gần đó nhận lệnh đi tiếp qua bang khác. Những dặm đường bạt ngàn. Rất thú vị, như đi qua bang Virginia, lúc băng qua cánh đồng thuốc lá có bảng đề "Be Quiet ! Tobacco is sleeping !". Hóm hỉnh và độc đáo. Hay đến bang Atlanta quê hương Magarett Michelle cuốn theo chiều gió. Nó có nguyên một bảo tàng về phim này, cái bàn viết mà tác giả dùng khi viết thiên truyện tuyệt tác này, hình Clark Gable khi ôm hôn đắm đuối Vivien Leigh, những xẻng cuốc dân miền nam đã dùng trong cuộc nội chiến. Hoặc lướt qua Tenessy quê hương ông hoàng nhạc Rock Elvis Presley tưởng như còn nghe văng vẳng tiếng hát của người nghệ sĩ thiên tài "It's now or never, kiss me my darling, be mine tonight tomorrow will be too late, it's now or never my love's away". Dân ở đây lúc nào cũng hát, kể cả khi xếp hàng mua hamburger, chờ xe bus hay ngồi chờ khám bệnh. Đúng là thành phố của nghệ thuật.

Khi lái đến vùng có bảng ví dụ Tune in FM 528 tức là bạn phải vặn radio vào băng tần 528 rồi. Điều này chỉ dành riêng cho dân lái xe tải, còn xe nhà thì khỏi. Tôi đã xem nhiều phim hành động, đa số đạo diễn hay cho các bố gangster lái xe vọt mất cho cảnh sát ngửi bụi. Điều này không đúng trong thực tế vì cảnh sát chỉ cần gọi là lập tức trực thăng bay lên, ngay sau đó từ trên trực thăng họ gọi xuống radio cho tụi tôi cứ left left right right liên tục, nghĩa là bọn chạy trốn đang ở đằng sau, mình cứ theo chỉ thị hết lạng qua trái lại lạng qua phải mục đích không cho nó vượt lên. Vì thế xe bị rượt kẹt giữa xe cảnh sát và xe mình, haha cho mày chạy, hết xăng phải ngừng thôi, không cần rượt ! Bao nhiêu năm lái xe tôi chưa thấy ai chạy khỏi cảnh sát.

Đời tài xế cũng vui lắm, biết nhiều thành phố cổ, chốn ăn chơi, nơi dân Digan tụ tập ca hát thâu đêm, hoặc các bố đen thích chơi Jazz thổi kèn ở những góc phố quên đời. Đa số những warehouse toàn nằm ở ngoại ô, như vậy muốn vào thành phố cà phê cà pháo rong chơi thì sao bây giờ ? City cấm xe tải vào thành phố, lúc đó bạn phải ngắt đầu, có nghĩa là tách phần đuôi ra chỉ có cái đầu chạy tồng ngồng vào thành phố thôi, ngó rất tức cười.

Tôi đã từng gặp nhiều tay lái xe rất chiến đấu, tuy nhiên có một người mà bọn tôi gặp là phải "Ạ" từ xa, không cần biết anh là Mỹ đen, Mexico hay Pakistan gì hết. Đó là một bà già 65 tuổi người xứ Kenya, bà còn 2 năm nữa là về hưu, hút thuốc như quỷ, lên cabin của bà lúc nào cũng sặc mùi thuốc lá, hàm răng cải mả, cười nói sang sảng, chửi thề luôn mồm. Tuy nhiên ngồi sau tay lái lại là một thiên thần tốc độ, bao giờ cùng đi bà cũng tới trước mọi người nửa tiếng, de ra de vào gọn lỏn, khi lái những đường lượn rất mềm mại. Mình cố gắng chay vượt bà cũng dễ thôi, nhưng chắc chắn là bị cảnh sát phạt vì chạy quá tốc độ, còn bà 42 năm lái xe chưa từng bị một giấy phạt nào hết. Thế mới tài. Cảnh sát nhiều khi tâm sự bắn tốc độ bà ví dụ speed limit là 70 mph thì bà chạy đúng 69, trăm lần như một không lần nào bắt được, tài thật !

Có nhiều điều rất thú vị, hy vọng sẽ kể cho bạn bè nghe lần sau, nếu các bạn còn hào hứng. Ví dụ những thành phố bỏ hoang của dân đào vàng thời Lucky Luke trên đường đi từ bang Arizona to Las Vegas, những ngôi nhà ma ở San Antonio, hay tháp U ở Missouri ...

Khi có việc phải lái xe ngang qua Cali để giao hàng, bao giờ mình cũng ghé vào khu Phúc Lộc Thọ để chơi vài ván cờ giải khuây, đi vòng vòng qua các quán cafe xem giò xem cẳng các bố chơi cờ. Nơi đây ít có cao thủ, cao nhất cũng cỡ đại úy là cùng, tá rất hiếm hoi, nhiều khi mình đứng coi thấy họ khai cuộc cũng bài bản lắm, lòng sướng mê định rủ lát nữa chơi. Mẹ ơi chỉ được khoảng 10 nước tới khúc xáp lá cà là mình nhận ra tổng cộng có 2 chú vịt bầu đang thi đấu. Lòng càng nhớ những ngày ở Việt Nam khôn nguôi, nhớ nhất là những ngày tháng rong chơi đánh cờ.

(hình sưu tầm)

Mình rất thích cờ bạc, đã chơi đủ các món như xì phé, xập xám, domino, tứ sắc ... . Qua đến bên này còn máu me Black Jack, Baccara, Bud, Let it Ride, Xập xám 7 lá, đã đóng không biết bao nhiêu tiền điện cho Las Vegas nên nghiệm ra một điều rất thú vị. Các cao thủ môn khác khi nghề chơi đã cao thủ rồi thường thì tâm tính cũng có đôi phần tà đạo, nó có cái gì đó rất khó gần, khó chơi. Còn cờ thì lại khác, nhiều cao thủ rất mực tinh tướng chuyên nghiệp, nhiều khi họ lấy cờ làm kế mưu sinh nữa, đủ biết là gắt gao cỡ nào, nhưng có điều là rời bàn cờ ra tâm tính họ lại hết sức thiện lương, có phần ngây thơ và chất phác nữa ! Đó là cái điểm mình yêu thích cờ hơn các môn khác.

Anh Mai Thanh Minh là một trong những người này. Ngoài đời anh cực kỳ hồn nhiên chất phác, mình nhỏ hơn anh nhiều nhưng anh vẫn biệt nhãn cho đi chơi cùng, thứ nhất mình là kẻ ham chơi, sáng trưa chiều tối gì cứ ai rủ là đi xa xôi mấy không ngại, hai nữa là vì mình là ông bầu của anh.

Những năm tháng đó mình cũng nghèo lắm, nhưng được bạn bè thương rủ ra chợ cho tập buôn, tập bán. Buôn có chợ, bán có phường, không có bạn bè dắt díu dễ gì làm được, mới đầu thì phụ việc học nghề, sau thấy kha khá nó sang cho cái sạp bán phụ tùng xe đạp ở chợ Lý Nam Đế, nhờ thế cũng có đồng ra đồng vào mà chơi cờ làm bầu hehe.

Lai rai ôn lại các quán cờ hồi đó. Quán Cheo Leo trên đường Nguyễn Thiện Thuật, chỗ có ông già cắt tóc trong hẻm, ai rủ cũng chơi, vốn liếng duy nhất có một chiêu Pháo đầu Mã đội. Nơi này là chỗ bản doanh của Tứ hùng Nguyễn Thiện Thuật, đứng đầu là anh Long tức Nguyễn Thanh Khiết, thứ nhì là anh Hùng tức Nguyễn Hữu Hùng, thứ ba là anh Đạt, thứ tư mình quên tên rồi vì ít khi nào đụng. Kỳ nghệ các anh này khi đó đã rất cao rồi, anh Hùng cũng có chơi bida nhưng đẳng cấp là vô danh (xin lỗi anh Hùng hihi).

Anh Minh rất ít nói, nhất là khi nói về người khác. Mình thì lại hay căn vặn so sánh để biết, vì tò mò xem cái nhìn của anh về các danh thủ khác thế nào. Lời nhận định nếu ở người khác nói ra thì sẽ gây ngộ nhận là coi thường, không tôn trọng. Nhưng ở anh Minh thì khác, vì anh đủ đẳng cấp và tư cách để đưa ra những lời đó. Trong nghề họ nhất định hiểu nhau tới đâu. Về anh Khiết, anh Minh nói "Dẻo dẻo vậy thôi, ăn được ván cờ rất lâu", còn anh Hùng thì "Sáng tạo nhưng liều ...".

Quán cờ Hòa Hưng, đi xuống cái hẻm thụt xuống dưới lòng lề đường, trong này có một cái đền thờ Hồi giáo, chiều chiều có các ông theo đạo Hồi mặc áo dài trắng ra đứng xem cờ. Nơi này là ổ của anh Việt xích lô, Bảy Sang, khi đó anh Việt còn trẻ, tóc còn đen nhánh, người cực kỳ gân guốc, nổi tiếng giang hồ với chiêu Phản Công Mã hoành Xa, lúc đó anh Việt dưới anh Minh khoảng 2 nước. Quán này có một nhân vật cờ không cao mà lại rất nổi tiếng tên là Thấu, cứ thấy ông Thấu này xuất hiện là mọi kỳ thủ xúm lại dành mối, ông này rất nhiều tiền, nghe nói làm thủ kho gì đó, làm đồng nào là nuôi các anh em kỳ thủ hết nên ông rất được tôn trọng. Anh Minh nhận xét anh Việt là "Có một lối suy nghĩ vô cùng độc đáo, bài bản không nhiều nhưng nội lực cực mạnh".

Đi ngược lên phía Bà Quẹo tới Tân Bình quẹo trái vào đường Ba Gia là chỗ hùng cứ của vua Tèo, lúc đó vua Tèo chưa đánh giải nên rất ít ai biết tên thật của anh, mình cũng không biết dù rằng đánh với anh khá nhiều ván rồi. Khi đó vua Tèo dưới anh Minh khoảng 2,5 nước. Vua có lối đánh rặt chất giang hồ nhưng hết sức sáng tạo, chấp người khác 2 hay 3 tiên vua dùng cuộc Tây Tạng X9.2 giữ pháo rồi P2/1, sau đó bình 8 rượt Xe chạy lung tung, đối thủ không biết đối phó rất dễ mất tiên. Mình đánh cứ bị thua hoài, riết rồi không dám ra Xe, cứ chờ cho con Pháo 8 di chuyển rồi mới dám chui Xe ra. Vua chờ riết không thấy sập bẫy nên cũng phải chuyển qua cuộc khác dễ thở hơn ! Nhà của vua ở đường Cây Thị cũng là một quán cờ. Vua cũng có cách suy nghĩ cờ đặc biệt như anh Việt, nên những người cùng thời với vua hơn vua 1 hay 2 nước nay đều kém vua cả. Thời đó mà còn giữ vững phong độ tới bây giờ chỉ có vua và danh thủ Trần Quốc Việt. Vua Tèo chính là kỳ thủ Tô Thiên Tường sau này.

Chạy suốt đường 3 tháng 2 quẹo trái vô chợ Thiết đây là chỗ chơi của danh thủ Hài chẩy Trịnh A Sáng, khi đó anh chưa cao bằng anh Minh và anh Xuân, nhưng đã hùng cứ một vùng.

Mé đình Bình Phú là nhà của lão kỳ thủ Tiêu Diêu Khách Phạm A Sáng, ông là người cùng thời với Tất Kiên Dương (vua tàn cuộc), Trần Dụ Thám, Phạm Thanh Mai, Phạm Tấn Hòa. Ông chơi cờ rất hay nhưng có tật suy nghĩ lâu, chơi với ông mà sốt ruột là thua chắc. Danh thủ Trần Quới có lần đánh với ông mà phải chịu thua non vì ông tính cờ lâu quá, mình xem ván đó thấy Trần Quới phải kêu lên "Ông có một nước xuống Sĩ thôi mà, tính gì nữa ? Ông mà không đi thì tôi cho ông ăn luôn, nghỉ chơi". Ông vẫn im lặng, tính tiếp, lát sau Trần Quới nói tiếp "Trời đất ! Ông tính nghiệm hết bàn cờ rồi mới đi sao ?". Vô ích, không nhúc nhích !

(hình sưu tầm)

Chạy ra chợ An Đông quận 5, đây là hang hùm của các kỳ thủ người Hoa như Hòa chảy Âu Thiếu Huê, Phán chảy (ông này chơi cờ riết nên hơi khùng khùng, tuy nhiên ngồi vào bàn cờ thì không thấy khùng gì hết), Mông Thế Hành (Xay ngạn ), Diệp Doanh Khai, anh em nhà Diệp gia, Dương Thanh Danh. Anh em nhà Diệp gia hay nhất là Diệp Khải Dương, anh này sau đi làm phóng viên cho nhật báo Hoa ngữ nên không còn chơi cờ nữa, rất đáng tiếc ! Triển vọng nhất là Diệp Khải Hằng, mình còn nhớ trong trận tranh giải 198x Diệp Khải Hằng khi đó mới 18 mà thủ huề với anh Minh rất xuất sắc. Chiêu xuất sắc nhất của anh em Diệp gia là Phản công Mã. Họ chuyên dùng chiêu này khi đi hậu, tuy nhiên anh Minh nói "họ phòng thủ Phản công Mã thì hay nhưng phá Phản công Mã thì không hay lắm, nhiều khi gặp đối thủ chơi gậy ông đập lưng ông họ cũng khá vất vả". Mình lại hỏi Phản công Mã Diệp gia so với Phản công Mã anh Việt thì sao, anh Minh nói "Phản công Mã Diệp gia chỉ dùng để chơi với Pháo đầu, còn Phản công Mã anh Việt là chơi với mọi thế trận nên có phần biến hóa tinh vi hơn". Phong cách nhất là anh Dương Thanh Danh, anh Danh có phần nổi tiếng trước các kỳ thủ này. Từ thập niên 70 anh đã tranh giải và chơi ngang ngửa với các ông Phạm Tấn Hòa, Phạm Thanh Mai. Anh Danh có lối khai cuộc đẹp như một bài thơ, cực kỳ hài hòa, khi có thể kết thúc được ván cờ là anh kết thúc ngay. Có nhiều kỳ thủ chơi cờ hồi đó mình rất ngạc nhiên khi thấy họ hơn quân, hơn nước, mà lại chọn phương án kéo về cờ tàn dài thêm mấy chục nước nữa. Hỏi ra thì được trả lời rằng "Khà khà vô độc bất trượng phu ! Phải hành cho nó nhão óc ra để ván sau mình ăn dễ (trượng phu)". Kiểu các bố thật quá ác độc ! Tiếc rằng anh Danh sức khỏe quá kém nên kỳ nghệ bị ảnh hưởng, những năm 80 anh đã phải điều trị thời gian dài trong bệnh viện Hồng Bàng.

Khi Trần Quới mất đi, phải nói làng cờ Sài Gòn khi ấy chỉ có hai đại tướng là Mai Thanh Minh và Nguyễn Văn Xuân, những trận đấu giữa 2 kỳ thủ này đều thu hút rất nhiều người hâm mộ, kể cả đánh độ hay đánh giải, các kỳ thủ khác dù sao cũng dưới cơ một chút. Anh Minh có phần sách vở hơn, anh rất mê nghiên cứu. Những năm 80 mà nhà anh vẫn còn dùng đèn dầu, đến lúc nào cũng thấy anh nghiên cứu kỳ phổ trên cái phản, hồi đó kỳ phổ ít lắm, anh có một quyển sách chép tay không biết mượn của ai tên Côn Minh đại chiến, biên bản các ván cờ danh thủ Trung Quốc thi đấu vào năm 1985, chữ li ti nhỏ xíu coi muốn mù mắt luôn. Hồi đó ít người biết cờ vây, vậy mà anh Minh cũng đã nghiên cứu rồi. Anh hay giảng cho mình nào là "bàn cờ vây không có biên giới tượng trưng cho Trung nguyên lồng lộng, ai có tài thì dành lấy thiên hạ, nào là có mười đẳng cấp, số 1 là tọa chiếu, số 2 là diệu thủ ...", mình nghe chẳng hiểu gì cứ ừ ừ cho anh vui, lát sau rủ anh ra quán Bà Tám góc Hoàng Văn Thụ, nơi đó có 1 em bé môi đỏ như son, cười cười nói nói hớp hồn người.

Bình Thạnh có 1 danh thủ mà anh Minh rất mến mộ là anh Nguyễn Bá Hùng, người viết chung với anh Minh quyển kỳ phổ Trung Pháo quá hà Xa đối Bình phong Mã cao hữu Pháo. Ngoài ra anh Hùng còn biên soạn một số kỳ phổ hết sức giá trị như Trung Pháo đối Qui bối Pháo, Khởi Mã cuộc, Ngũ lục Pháo đối Phản công Mã, những kỳ thủ yêu thích lối chơi dĩ dật đãi lao, hay cách sơn đả ngưu, thiện nghệ sử dụng nhuyễn tiên rất coi trọng bố cục này.

Thánh địa cờ tướng là phải nói đến góc Sư Vạn Hạnh - Bà Hạt. Nơi đây là Long đầm Hổ huyệt, ôi chao đủ mặt cao thủ, từ danh thủ Trần Quới tới Hài chảy Trịnh A Sáng, Trương A Minh, Tiều chuối Trần Đình Thủy, Tiều Nam Vang Hứa Kim Thành, Quỷ Kiến Sầu Lê Thiên Vị, Thiết chưởng Trịnh Mỹ Linh (ông này khi mình mới nghe tên chưa biết mặt cứ tưởng đàn bà, sau mới biết không phải), Thập tam Dương Nghiệp Lương. Danh thủ Nguyễn Văn Tám tức Tám Biên Hòa hay Tám Lùn, ông này có một kỷ niệm rất vui khi tranh giải 198x, giải này vòng 1 anh Minh còn bị ông ấy đả thương đủ biết lợi hại cỡ nào. Hôm đó ông đang thi đấu với một kỳ thủ khác ngồi bàn số 1, ván cờ ông đánh được ông Quách Anh Tú chọn để bình luận vì ông đang thắng như chẻ tre. Ông Tú bình luận một nước cờ ý chê nếu chơi thế này ... này thì sẽ ưu thế lớn. Ông Tám đang tập trung hết cỡ để chơi vậy mà cũng nghe lóm nhìn ra chỗ ông Tú hét lên "Đánh vậy sao được ông ơi, nó lấy xe bả nhị là huề láng". Ông Tú nhìn bàn cờ một lát rồi nói "Lùn này ghê thiệt", thế là cả hội trường Q10 cười lên rầm rầm. Vui không thể tả.

Giải năm đó anh Minh gặp Trần Quới, mình nhớ về tàn anh Minh còn Xe Pháo Tốt bể một con Tượng, Trần Quới còn Xe Mã Tốt bền Sĩ Tượng, đánh loay hoay một hồi anh Minh thua. Lúc ra sân bóng rổ mình có hỏi anh "Cờ đó huề dư sức sao anh đánh chi để thua ?". Anh Minh cười buồn nói "Mình nghĩ là ưu thế" rồi tiếp "Mình gặp Trần Quới 15 lần 9 thua 6 huề chưa ăn 1 lần. Bây giờ có cơ hội không đánh sao được", xong rồi thở dài "Bây giờ về quận buồn lắm đây". Mình nói "Anh Xuân còn thắng Trần Quới 1 bàn, chẳng lẽ so ra nhỉnh hơn anh một chút sao ?". Anh Minh lắc đầu "Không, họ là bạn bè hơn thua 1 - 2 ván ăn thua gì. Mình chưa thấy khi Trần Quới quyết tử mà thua ai bao giờ". Mình hỏi tiếp "Vậy chứ kỳ nghệ Trần Quới không ai vượt được sao ?". Anh Minh suy nghĩ hồi lâu rồi trả lời "Không phải vậy, đã là người ai tránh được sơ sót, nhưng kỳ nghệ Trần Quới tuyệt diệu ở chỗ khi ưu thế thì nhất định thắng, khi thất thế thì nhất định huề, đối thủ không cách gì khuếch trương được ưu thế đó lên để chiến thắng. Hai nữa Trần Quới có một trực giác vô cùng bén nhạy trước những bẫy rập, có thể thế trận đó ảnh chưa hề biết qua nhưng rất khó lôi ảnh vào cuộc, luôn luôn né từ rất xa và đi những nước chờ rất hay". Mình ít khi thấy anh Minh nói về ai mà dài vậy.

Hỡi ơi ! Bạn cũ tình xưa, non xanh còn đó, nước biếc vẫn đây, thế mà cả hai anh đều đã là người thiên cổ !


3 nhận xét :

Nặc danh nói...

Câu chuyện hay và cảm động quá..Có nghe nói Tâm là học trò của Cố danh thủ Mai Thanh Minh, Tâm kể thêm nhiều về cố danh thủ này cho mọi người xem nhé....Mình cũng thần tượng anh Minh lắm. Trung phanthiet

Nguyễn Tường nói...

Bài viết rất hay , xin cảm ơn bạn . Phải chi có nhiều bài viết như thế...

Unknown nói...

Bài viết tuy không dài lắm nhưng thể hiện tình cảm sâu sắc của tác giả đối với cờ tướng, với cố danh thủ Mai Thanh Minh, gợi lại bối cảnh của làng cờ Sài Gòn xưa với đầy đủ những tên tuổi và địa danh đã làm nên lịch sử cờ tướng Sài Gòn. Cảm ơn thầy Tâm đã đưa lên một bài viết hay!

*** ĐĂNG MỘT NHẬN XÉT ***

Xin vui lòng để lại tên của bạn khi đăng nhận xét,
để chủ blog này có thể trả lời bạn khi cần.

Mạng đang chậm, chờ chút nha hehe ...