Dấu ấn thời gian
(Sưu tầm)
- Nguyên tác: Trần Nhật Húc
- Lược dịch và phóng tác: nick Tranbinh (thanglongkydao.com)
cotuongq3.blogspot.com
Thời gian không làm phai mờ tình bạn, trong lúc khó khăn tình bạn càng quý giá.
Bức ảnh này thật quý báu, kèm theo tình nghĩa khó quên, tôi vẫn cất thật kỹ, cho đến mai sau.
Ảnh chụp tại thành Phúc Châu tỉnh Phúc Kiến ngày 24 tháng 4 năm 1980
Từ trái qua phải:
-Hàng 1: Vương Gia Lương, Hồ Vinh Hoa, Trần Tùng Thuận, Dương Quan Lân, Ngụy Tử Đan, Trình Xuân Hoa, Trần Hiệu Vị, Từ Gia Lượng.
-Hàng 2: Lưu Quốc Bân, Đới Vinh Quang, Từ Thiên Lợi, Lâm Hoành Mẫn, Chu Vĩnh Khang, Tiền Hồng Phát, Chu Văn Kính, Trần Hiếu Khôn, Lý Bính Tịnh.
-Hàng 3: Trần Kim Đệ, Quách Phúc Nhân, Đổng Chí Tân, Tôn Chính, Thái Trung Thành, Trương ... Tháp, Thạch Đông, Trần Nhật Húc, Lâm Truyền Huy.
-Hàng 4: Hoàng Ải Lâm, Phó Quang Minh, Triệu Khánh Các, Tưởng Chí Lương, Liễu Đại Hoa, Trần Tân Toàn, Trần Tắc Cung, Lý Lai Quần, Tăng Quốc Vinh.
cotuongq3.blogspot.com
Hầu như ngày nào tôi cũng vào mạng cờ Tướng Quảng Đông xem tin tức cờ bốn phương, và gần như vô thức mỗi lúc vào ra mạng tôi đều ghé qua trang tư liệu ngắm nhìn một bức ảnh để ở nơi trang trọng nhất. Vẫn biết mình là một phần trong đó, nhưng kỳ lạ làm sao, lần nào cũng vậy những hoài niệm xưa lại ào ạt tràn về, vui có, buồn có, cứ bồi hồi bâng khuâng mãi. Đâu rồi những nét thân quen, kẻ còn người mất, nhìn ảnh nhớ người, những tiếng cười giọng nói vượt qua bao sương khói thời gian lãng đãng vọng về, chợt nhớ đến câu: Thời gian có thể làm phai mờ tất cả, nhưng kí ức lại như những tảng đá dưới đáy sông, dù cho mưa dập gió vùi càng ngày càng rõ.
Trong ảnh có 35 người, gồm cả BTC, tập thể các kỳ thủ và nhân viên phục vụ giải vô địch đồng đội năm 1980 (tổ chức tại TP Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến) được xếp thành 4 hàng, hàng đầu 8 người, 3 hàng sau mỗi hàng 9 người, bố cục cực kỳ chặt chẽ. Tất cả đều mặc đồng phục Tôn Trung Sơn nhưng diện mạo mỗi người mỗi khác, nay nhìn lại thấy rất nghiêm túc, đoan chính, khiêm cung ... Âu cũng là vết tích một thời để nhớ, ý nghĩa thật quý giá và còn hơn thế nữa.
Nhìn bức ảnh, cảm giác đầu tiên mang lại là mọi người còn rất trẻ, ngay cả tôi cũng không dám tin mới đó mà đã 30 năm trời, làm sao mà nhanh như vậy ?! Các bạn xem, đây là ánh mắt thâm thúy của "Ma Thúc" Dương Quan Lân, thần thái sáng láng của "Tư lệnh" Hồ Vinh Hoa, tươi cười điềm đạm "Đông Bắc Hổ" Vương Gia Lương, hổ khí sinh uy "Bá Vương" Liễu Đại Hoa, khí vũ hiên ngang "Song Thương Tướng" Từ Thiên Lợi ... Người nào người ấy tràn đầy tự tin. Năm đó nhỏ tuổi nhất là Lý Lai Quần đứng sau cùng vẫn còn là một cậu thiếu niên hớn hở, thơ ngây, vậy mà ... Thời gian như bóng câu chớp mắt đã 30 năm rồi !
Những người trong ảnh và hiện thực ngoài đời bây giờ đã khác xa nhau nhiều quá, nhiều lúc nghĩ là 2 người mới phải. Bản thân tôi lúc ấy trẻ trung là thế, sinh lực dồi dào mà nay sắp thành ông già xưa nay hiếm rồi ...
Ôi đời người hữu hạn, năm tháng vô tình !!!
Nhớ lại một chuyện vui, ngày đó ban đầu BTC mời một nhà báo rất nổi tiếng của một tờ báo nổi tiếng phụ trách làm kỷ yếu, nhưng ông này lại không am hiểu mấy về cờ Tướng, quá bằng "bảo tiều phu xuống sông bắt cá", nên tôi phải phụ trách phần này. lại bố trí thêm 4 - 5 nhân viên giúp đỡ ghi chép, hiệu đính, biên tập lại. Lúc này vào khoảng tháng 4, thời tiết oi bức, muỗi bay như trấu. Mỗi góc phòng đều đốt hương diệt muỗi, 2 - 3 cái quạt lờ đờ chạy. Mọi người một tay cầm bút, một tay lọ dầu, đốt đâu xoa đấy mà vui như tết. Nửa đêm, đói bụng được bồi dưỡng một cái bánh ngọt gọi là lót dạ. Một phòng ở 5 - 6 người toàn giường 2 tầng, lúc đó mọi người đâu có so đo tính toán, chỉ toàn tâm toàn ý làm tốt việc biên soạn, ngày nào xong ngày ấy, đảm bảo đến khi kết thúc giải phát cho các đoàn mang về. Có lẽ do thức đêm nhiều hư hỏa phát tác, ai nấy mắt đều sưng đỏ. Trong số 35 người tình cờ làm sao có 7 người họ Trần, lão huynh Trần Tắc Cung, người Phúc Châu cứ ngâm nga: "Lâm Trần nửa thiên hạ, Trịnh Vương đầy đường đi", nghe cứ như Lâm Tắc Từ, Trần Chí Lập các danh nhân vang bóng một thời, ai nghe cũng lấy làm cảm khái. Lại nhớ Hoàng Ải Lâm cũng người Đông Thành làm việc tại Bắc Kinh, biết tiếng Phúc Kiến, phổ thông nên hay cùng tôi bông đùa. Quách Phúc Nhân, Thái Trung Thành là chủ lực của đội Phúc Kiến, tính cách họ Quách hướng nội nhưng hay hài hước dí dỏm, kỳ nghệ phi thường, thế mà nay hồn phách đã phiêu diêu miền cực lạc.
Tác giả của bức ảnh để đời đó là nhiếp ảnh gia tên tuổi đất Đông Thành, Lý Tính cũng là một người thân thiện dễ gần, những năm cuối thập kỷ 90 tại giải ở Chung Châu ông cũng chụp ảnh lưu niệm cho chúng tôi. Ít lâu sau anh Trần Tắc Cung gọi điện cho tôi nói Lý tiên sinh đột ngột qua đời, hai anh em cứ bùi ngùi cảm thán mãi không thôi. Giật mình nhìn ảnh thấy quá 1/4 những người trong ảnh đã là người thiên cổ, không khỏi thấy lòng dạ bất an, một mai tất cả thành sương khói lấy gì để lại cho hậu thế đây ? Tự dưng nẩy ra một ý tưởng ngồ ngộ, những người còn lại chụp chung một bức ảnh nữa xem 30 năm nữa sẽ ra sao ? Nhưng lại thấy xa vời vì không phải lúc nào muốn là được, mỗi người một hoàn cảnh, một số phận nên chỉ giữ trong lòng hoài niệm mà thôi, đành gửi gắm nỗi niềm hy vọng qua 2 câu thơ để kết chuyện này:
Lai thoại Đông Thành bá trản thiên
(Bao giờ chung nến song tây ấy
Chuyện vãn Đông Thành uống suốt đêm)
0 nhận xét :
*** ĐĂNG MỘT NHẬN XÉT ***
Xin vui lòng để lại tên của bạn khi đăng nhận xét,
để chủ blog này có thể trả lời bạn khi cần.