Như một người giữa muôn người
(sưu tầm)
Bài này không có ý định viết về một ngôi sao thể thao, mà viết về một con người đã chọn thể thao làm nghề của mình, đơn giản như anh nói: "Người nào cũng phải có nghề. Tôi cũng vậy, phải có công việc của mình". Anh đã sống, đã vui buồn với nghề nghiệp ra sao, chắc cũng có nhiều người tò mò muốn biết ...
Trên mảnh đất uốn cong hình chữ S, từ đời này sang đời khác, cờ Tướng được cả triệu người chơi. Nhưng mãi tới mùa đông năm 1992, các danh thủ khắp Bắc Trung Nam mới có dịp "anh tài hội ngộ".
Vào năm ấy, đoàn cờ Tướng từ Sài Gòn ra Đà Nẵng dự giải có tên Mai Thanh Minh. Tên đã đẹp, kỳ nghệ đã được đồn đại nhiều, nên tôi tưởng tượng đó hẳn là một bậc quân tử phong lưu, đẹp trai, xuất thân từ thành phố nổi tiếng là "Hòn ngọc Viễn Đông".
Nhưng đến khi diện kiến thì ... tôi ngã ngửa. Đó là một người đàn ông có khuôn mặt hốc hác, nước da vàng tái của người bị sốt rét, mới 35 tuổi mà nom già trước tuổi, khoác bộ quần áo sơ sài lụng thụng trên một thân thể gầy còm, trái ngược hẳn với những bộ com-lê, cà-vạt, mũ phớt chỉn chu của các bậc kỳ lão từ Hà Nội vào. Một dị nhân, một quái kiệt chăng? Mãi rồi tôi mới biết, sau giải phóng anh từng đi thanh niên xung phong 4 năm, rồi bị những cơn sốt rét rừng quật ngã. Thế nào là sốt rét rừng, chỉ có ai đã từng trải qua mới thấm thía hết nỗi kinh sợ đối với căn bệnh này, nó làm người ta chập chờn giữa cái sống và cái chết, vắt cạn sức và làm biến đổi hẳn cơ thể của con người dù người đó đang ở độ thanh xuân. Anh buộc phải xuất ngũ. Có lần tôi lấy làm tiếc cho sức khỏe của anh, anh vẫn còn đùa được: "Thì cũng nhờ bị vậy nên mới được đánh cờ cho tới giờ !".
Những trận tỷ thí sôi động trên kỳ đài (với những tên tuổi lẫy lừng như Ba Ngoan, Giáo Hội, Hà Quang Bố, Hứa Văn Hải rồi tới Phạm Thanh Mai, Lý Anh Mậu, Trần Quới, ...) cùng với những chuyến du đấu của các kỳ vương Trung Quốc, Hồng Kông đã biến đất Sài Gòn trở thành trung tâm cờ Tướng miền Nam từ đầu thế kỷ đến nay. Thân phụ của anh - ông Mai Văn Phú, quê Nam Định, vào Sài Gòn sinh sống - cũng là người say mê cờ, có lẽ say mê từ thuở ông còn sống trên đất Bắc (vì ông cũng là bạn cờ với những tay cờ cự phách Bắc kỳ như Nguyễn Thi Hùng, Đặng Đình Yến, Nguyễn Tấn Thọ, ...). Nghe nói sau này, khi Mai Thanh Minh ra thi đấu ở Hà Nội, ông Nguyễn Tấn Thọ đã đưa anh tới thăm ngôi nhà ở phố Huyền Trân Công Chúa (nay là phố Bùi Thị Xuân) mà xưa kia bố anh từng sống. Ông Mai Văn Phú ngày ấy là công nhân, tuy sống vất vả nhưng cũng đã kịp truyền niềm đam mê cờ cho đứa con thứ tư mới 13 tuổi của mình là Mai Thanh Minh !
Sau khi xuất ngũ, tay trắng, sức kiệt, nhưng niềm đam mê cờ trong anh vẫn còn nguyên vẹn. Như anh tâm sự: "Tôi chơi cờ từ hồi đó riết tới giờ, không có nghỉ, không có bỏ giải nào hết !". Chơi với không ít danh thủ, những tay cờ giang hồ, dần dà anh nổi tiếng vùng Phú Nhuận. Từ năm 1985 đến 1988 liên tiếp lên kỳ đài, Mai Thanh Minh được coi là tay cờ cự phách của đất Sài Gòn.
Quay lại với giải cờ Tướng vô địch toàn quốc năm 1992, Sài Gòn cử ra 7 danh thủ là Diệp Khai Nguyên, Nguyễn Bá Hùng, Dương Nghiệp Lương, Mong Nhi, Mai Thanh Minh, Dương Thanh Danh. Từ hồi nào tới giờ chưa khi nào có cuộc cờ lớn như như thế, nên người Đà Nẵng vào xem rất đông. Cuộc tranh tài sôi nổi vô cùng. Danh thủ kỳ tài của Đà Nẵng là Trần Văn Ninh quần thảo không chút nao núng với tất cả các cao thủ Sài Gòn. Ván quyết định cuối cùng để tranh ngôi vô địch là giữa Trần Văn Ninh và Mai Thanh Minh. Hai bậc cao thủ chẳng lạ gì nhau. Có lần ngay tại Sài Gòn, Ninh đã gặp Minh trong một trận gây chấn động với 10 ván đấu liên tiếp, hai bên bất phân thắng bại !
Hồi đó tôi làm trọng tài bàn 1 nên may mắn được thưởng thức kỳ nghệ của hai kỳ thủ lừng danh này. Mai Thanh Minh thường ngồi bất động, hai tay vòng trước ngực, người nhô hẳn ra phía trước. Nét mặt cương nghị, dù thắng thế hay nguy nan đều điềm tĩnh đến kỳ lạ. Cả hai quần nhau trên bàn cờ ác liệt. Ván cờ hay và cuốn hút tới mức hàng trăm người bên ngoài chen lấn cố sức đẩy ào cửa để tràn vào xem. Ban tổ chức vất vả lắm mới đẩy lùi được họ ra ngoài. Rốt cuộc Trần Văn Ninh thua, nhường chức vô địch quốc gia lần đầu tiên cho địch thủ của mình. Tôi cũng không rõ ván thua đầy kịch tính đó đã tác động tới Trần Văn Ninh lớn tới mức nào, nhưng chỉ biết liên tiếp các năm sau tuy họ vẫn gặp nhau ở các giải vô địch quốc gia, nhưng chưa bao giờ Ninh có thể vươn tới chức vô địch dù chỉ 1 lần, trong lúc Mai Thanh Minh đoạt tới 5 lần từ đó tới nay.
Từ đó, anh đi tới đâu cũng có người thách đấu. Có lần vừa thi đấu ở Trung Quốc về, đang ngồi nói chuyện thì cửa bật mở, một đám 5 - 7 thanh niên ào vào, đòi được "đọ với ông Minh vài ván". Điều đó cũng dễ hiểu, vì sau những ván anh tranh hùng ngang ngửa với những tên tuổi lẫy lừng của Trung Quốc như Lữ Khâm, Triệu Quốc Vinh, Từ Thiên Hồng, Hứa Ngân Xuyên, thì trên kỳ đàn thế giới không ai là không biết tên anh ! Anh là kỳ thủ đi thi đấu quốc tế nhiều nhất và cũng đem về nhiều thành tích cho đội tuyển cờ Tướng Việt Nam. Năm 1994, anh trở thành kỳ thủ nam Việt Nam đầu tiên được phong danh hiệu Quốc tế đại sư.
Tuy thế mấy ai biết được nơi gia đình anh (gồm có mẹ già và các anh chị) đang sống không thể gọi là nhà ! Nằm trong một cái hẻm nhỏ, dùng mấy cây gỗ gác ngang sang hai ngôi nhà hai bên rồi đặt lên những tấm tôn rách phế liệu người ta thải ra, bốn bên quây tạm ván cũ làm vách, nền nhà chính là nền đường bằng đất nên vẫn còn chỗ lõm chỗ lồi. Tất cả quây quần, chen chúc, bữa đói bữa no trong bấy nhiêu năm.
Lần đầu tiên có tên đi thi đấu giải vô địch thế giới tại Bắc Kinh vào mùa xuân năm 1993, Minh không có lấy một đồng trong túi. Ông Quách Anh Tú - chủ tịch liên đoàn cờ TP.HCM - đưa cho anh 500 USD và giao hẹn: "Nếu đi đánh thắng có tiền thưởng thì trả lại, nếu đánh thua thì cho luôn !". Câu nói ấy khiến anh vững tâm cầm tiền mua vé máy bay. May sao lần ấy thi đấu được giải, sau khi trả nợ cũng còn dư được ít nhiều. Nhưng số tiền dư đó cũng chỉ tạm đủ dùng vào việc sửa sang nhà cửa, chả dám đãi đằng gì. Anh tâm sự: "Nghề cờ cũng như các nghề khác, có lúc sướng, lúc khổ, mình phải sẵn lòng chấp nhận thôi".
Từ năm 1992 tới năm 1995, Mai Thanh Minh liên tiếp đoạt ngôi vô địch quốc gia. Nhưng đến đầu năm 1996, giải vô địch quốc gia diễn ra tại Hà Nội, mọi người rất ngạc nhiên khi thấy anh tụt xuống hạng 7 và không ít người nghĩ rằng danh thủ này đã "hết pin". Sau mới biết, trước ngày Minh đi đấu thì người anh ruột qua đời. Cái chết của người anh đè nặng lên tâm trí khiến Minh không còn lòng dạ nào tập trung thi đấu. Gia đình anh nghèo quá, mẹ anh già nua, hết người này tới người khác ốm đau. Ngay trước khi anh đi giải ở Hawaii, lại thêm một người chị nữa của anh vĩnh biệt dương gian. Cái nghèo, cái khổ không buông tha gia đình anh !
Nhưng rồi "trời cũng có mắt" đối với con người này, bởi nói cho cùng thì chính sự tận tâm, hết lòng vì cờ của anh đã góp phần làm vẻ vang cho nền thể thao nước nhà, nhất là trước một Trung Hoa hùng mạnh thách thức cả thế giới. Cứ như đã "khổ tận" thì cũng có ngày "cam lai". Đến năm 1998 anh vô địch quốc gia một lần nữa. Như thế trải qua 7 lần tổ chức giải thì anh đã 5 lần giành được ngôi cao nhất, đó là một thành tích mà phải đến năm 2008 thì danh thủ Trịnh A Sáng mới vượt qua được ! Cũng năm 1998 anh được mời dự giải Phật Thừa bôi, một giải cờ Tướng có giải thưởng cao bậc nhất thế giới. Năm đó anh xếp hạng 10. Và năm 1999 anh được đặc cách tham gia giải này lần thứ 2 và giành được hạng 3, nhận được món tiền thưởng 19.000 USD, sau khi tặng quỹ từ thiện 3000 anh cũng còn được 16.000. Giải thưởng đó là một gia tài lớn mà chưa bao giờ anh dám mơ tới. Ngôi nhà bây giờ được sửa khang trang hơn, đã có điện thoại để gọi đi nơi này nơi kia và lần này anh có thể vui vẻ chiêu đãi bạn bè. Anh trích tiền tặng nhiều người, anh nhớ tới những người đang ốm đau, những người thầy nâng đỡ dìu dắt mình. Đó không chỉ là đồng tiền mà là tấm lòng của anh đối với những người đã cùng mình trải qua thời buổi gian truân.
Đã kề tuổi 50, lăn lóc trong "nghề cờ" cũng đã 3 thập kỷ có lẻ. Cay đắng ngọt bùi đều từng nếm trải, bước chân đã in khắp đất nước cũng như trên các nẻo đường quốc tế, Mai Thanh Minh vẫn cứ y như thế: giản dị, chân thành, hơi luộm thuộm, nói năng phải phép. Chung quanh thật là ồn ào, nhưng anh vẫn đắm chìm trong thế giới cờ của mình, những lời ca ngợi cũng chỉ như gió thoảng bên tai. Đánh cờ có thể để kiếm sống, có thể để được tôn vinh là người anh hùng khi đoạt huy chương, và cũng có thể chỉ là để thỏa mãn lòng đam mê khao khát, nó tùy theo quan niệm và tâm linh của mỗi con người. Ở Mai Thanh Minh tất cả đều đơn giản bởi anh luôn coi mình là một người lao động, không cao mà cũng không thấp hơn ai. Mỗi một con người đều có một sở thích, có một khả năng, có thể làm việc bằng trí óc, có thể bằng tay chân. Chỉ có điều là làm với niềm vui thích, say sưa, chăm chỉ và thủy chung với công việc mà mình đã lựa chọn.
2 nhận xét :
Danh thủ Mai Thanh Minh quả là một kỳ tài có 1 không 2, anh đã thật mạnh mẽ vượt lên bệnh tật và cuộc sống nghèo khó để vương tới đỉnh cao của sự nghiệp, anh đã đem lại vinh quang cho bản thân, gia đình, và cao cả nhất anh là niềm tự hào của triệu triệu người Việt Nam, chứng tỏ cho Trung Quốc thấy rằng họ không phải là số 1...
wow h đọc thấy ngưỡng mộ qá điiiiiii :D
con thích nhất đoạn cuối viết rất là hay :D
*** ĐĂNG MỘT NHẬN XÉT ***
Xin vui lòng để lại tên của bạn khi đăng nhận xét,
để chủ blog này có thể trả lời bạn khi cần.